Đôi Bạn

Đôi Bạn

Đôi Bạn

Đôi Bạn

Đôi Bạn
Đôi Bạn
Đôi Bạn
Khóa học đã bắt đầu được hai tuần lễ. Mọi việc đều êm xuôi trôi chảy và sinh viên của lớp có vẻ chăm chỉ hơn những khóa vừa qua.

Đôi Bạn

Thục Nữ

 

 

Khóa học đã bắt đầu được hai tuần lễ.  Mọi việc đều êm xuôi trôi chảy và sinh viên của lớp có vẻ chăm chỉ hơn những khóa vừa qua.

 

Cả lớp học đang im lặng nghe giảng bài, chợt thấy Tom cứ xoay qua to nhỏ cùng Matt. Hơi bực dọc, tôi dừng lại và trố mắt nhìn.  Thấy tôi tỏ vẻ không vừa ý, cả hai im lặng không dám nói chuyện nữa.  Tôi tiếp tục giảng bài cho đến cuối giờ và định sẽ giữ cả hai lại để khuyến cáo việc nói chuyện thường xuyên trong lớp.

Tom và Matt là hai cậu sinh viên có vẻ chăm chỉ, ngoan ngỏan và đi học đều đặn nhất lớp.  Cả hai rất thân và không bao giờ vào lớp sau tôi.  Tom bị khuyết tật, phải đi xe lăn đến trường và Matt lúc nào cũng ngồi cạnh Tom.  Khi đang giảng bài, tôi thường thấy hai em rù rì với nhau và Matt dường như luôn luôn nêu lên câu hỏi sau khi “hội ý” Tom.  Giữa hai em, Matt lanh lẹ và nhanh nhẩu khi đối đáp trong khi Tom chỉ ngồi gật gù và ít khi lên tiếng.

Sang tuần lễ thứ ba, dạy xong Chương thứ tư, tôi ôn lại bài cho cả lớp để sửa soạn thi vào kỳ tới.  Sau khi nhắc nhỡ những điều quan trọng, những đề tài có thể bị hỏi.  Căn dặn giờ giấc xong, tôi vội vã trở lại văn phòng.  Vừa thu dọn sách vở để ra về, vì hôm nay có việc nhà thì Tom và Matt đến gõ cửa.

 

Matt lên tiếng:

-       Thưa Cô, cô có thể cho em thi khác giờ với Tom được không?

Đang lính quýnh sửa sọan về cho kịp hẹn, tôi nghĩ: Lại bổn cũ sọan lại của các “ông sinh viên lười học” mà tôi đã gặp trong nhiều năm qua.  Nghiêm mặt tôi hỏi lại:

-       Bộ học bài không kịp sao lại xin thi sau?

Matt đáp:

-       Dạ không phải ạ.

-       Chứ sao không chịu thi cùng với mọi người trong lớp?

Matt lên tiếng phân bua:

-       Dạ tại hai đứa không thi chung với nhau được.

Nghĩ đến trễ hẹn, tôi xoay qua Tom hỏi nhanh:

-       Tại sao hai em không thi chung được hả?

Ấp úng, Tom bập bẹ trả lời nho nhỏ, khiến tôi càng ngờ vực và bực hơn.  Matt nhảy vào:

-       Thưa cô…

Nghi ngờ sự chân thật của Matt, tôi chận lại:

-       Tôi hỏi Tom chứ không hỏi em, để Tom cho tôi biết.

Tom lí nhí:

-       Ah.. ah… be..cau..se .. I….

Matt tiếp theo:

-       Dạ thưa cô tại vì Matt bịnh multiple sclerosis (một chứng bệnh làm cho tê cứng các tế bào trong óc hay sương sống và có thể làm bệnh nhân bị tê liệt các bắp thịt) nên không ghi chép và viết được.

 

Tôi sững sờ đứng lặng yên hồi lâu rồi kêu cả hai vào văn phòng để nói chuyện.

Có thể nào tôi vô tâm đến thế sao?  Đã hơn hai tuần lễ mà không biết được tình trạng của sinh viên trong lớp mình !!!  Phải chăng đó là hoàn cảnh chung của đa số nhà giáo nơi đây.  Vào lớp sau khi sinh viên vào đầy đủ và rời lớp trước khi sinh viên ra khỏi lớp.  Đi dạy cho đủ giờ, cuối khóa cho thi, nộp điểm lên văn phòng mà không cần biết sinh viên cần giúp đỡ, cần khuyến khích, hướng dẫn, nếu không có thắc mắc, khác xa các thầy cô ở VN đã từng lo lắng cho học sinh, sinh viên của họ. 

 

Tôi còn nhớ, khi còn học ở quê nhà, các Thầy Cô để ý từng đứa học trò, lo lắng từng hòan cảnh gia đình chúng để giúp đỡ, an ủi khi cần, cũng như khuyến khích khi chúng gặp khó khăn trỡ ngại, ngay cả đến tài chánh dù phương tiện thật eo hẹp.  Thầy cô xem học trò như con em, lúc nào cũng chăm lo quý mến.  Có phải vì vậy mà tình thầy trò nơi quê nhà đậm đà, khắn khít hơn. 

Nơi đây, phương tiện đầy đủ, vật chất dư thừa, giá trị xã hội bị đão lộn.   Việc giáo dục được xem như cuộc đổi chác, bán mua, không ân tình, nghĩa nặng.  Do đó thầy cô thiếu cảm thông với học trò và học trò không gần gũi với thầy cô và từ đó mất đi sự tương kính, mối thâm tình càng xa cách hơn nhất là ở bậc đại học. 

 

Nhưng tôi là người Việt Nam.  Có phải vì xa quê hương lâu, lòng vị tha, nhân ái mà từ bé tôi được rèn luyện, giảng dạy, hun đúc đã bị nhạt phai sau bao năm tranh sống vội vàng?  Tôi đã từng sống qua những khổ nạn của dân tộc, đã chia sẻ những nỗi đau triền miên nơi quê nhà với những người bất hạnh, thì tại sao tôi có thể thờ ơ, lãnh đạm với những học trò thiếu may mắn của mình, dù các em không còn bé bổng.

Bốc điện thọai, tôi gọi xin đổi hẹn chuyện nhà để có thì giờ nói chuyện thông cảm với hai em nhiều hơn.  Nhờ đó, tôi biết rõ ngọn ngành.

 

Matt và Tom là bạn hàng xóm láng giềng, biết nhau từ tấm bé và cùng học chung từ tiểu học.  Đến năm lớp 7,  Tom bắt đầu bị bệnh và mỗi ngày nặng thêm.  Nhưng sự khiếm khuyết về thể lực không ngăn được ý chí phấn đấu và tinh thần cầu tiến ham học của em.  Càng gần gủi nhau, đôi bạn càng khắn khít hơn, dù có khác biệt về thể chất.  Matt càng dành nhiều thì giờ để chăm sóc cho Tom khi chứng bệnh ngặt nghèo mỗi ngày một trầm trọng.  Sau trung học, Matt quyết định học chung với Tom để có dịp chăm sóc bạn đầy đủ hơn.  Mỗi ngày, Matt lái chiếc xe van có trang bị dụng cụ cho người tàn tật để đưa Tom đi học.  Đa số các lớp học, hai em đều ghi giống nhau, có lẽ để dể dàng cho chuyện học hành và di chuyển.   Vào lớp, Matt ghi chép bài vở giáo sư giảng dạy, Tom chỉ nghe nhưng không ghi được.  Về nhà, hai em học bài riêng rẻ, ngọai trừ những điều giáo sư giảng không có trong sách thì hai em ôn với nhau.

Để công bằng, tôi đồng ý cho Matt thi trước và sau đó Matt sẽ giúp Tom thi sau.  Làm như thế, tôi chủ ý tránh chuyện Matt biết được đề thi và cũng cố tình dễ dàng với Tom.  Từ đó, tôi để ý theo dõi hai em nhiều hơn.   Có điều, bài thi nào Tom cũng hơn điểm Matt dù trong lớp Matt nhậm lẹ và phát biểu ý kiến thường xuyên hơn, cũng như nêu nhiều câu hỏi khá chính xác.  Dần dà, tôi nhận ra dù bị khuyết tật, nhưng Tom rât thông minh, nên làm bài rất giỏi.  Những thắc mắc mà Matt nêu lên đa số đều do Tom đưa ra cả.

 

Một hôm, cả hai đều vắng mặt, hỏi ra Matt bị bận không đi học được, nên Tom phải ở nhà.  Lại môt lần khác, Matt đi học một mình.  Hôm ấy, Matt ít nói cười, không linh họat như mọi hôm.  Thấy Matt buồn vời vợi, tôi dò hỏi.  Thì ra Tom bị bịnh nặng, Matt phải vào nhà thương thăm bạn trước khi đến lớp. Tôi âu lo nghĩ ngợi, nhưng không giúp được gì.  Tuần sau, rất mừng khi thấy cả hai đi học lại.  Trông Tom có vẽ mệt mỏi và yếu ớt.  Thỉnh thỏang, Tom hún hắn ho, Matt lại xoay qua dùng khăn hỉ mủi cho bạn.  Quá xúc động, không ngăn được giòng lệ chảy dài trên má, tôi vôi vã trở lại văn phòng, lấy khăn lau nước mắt, ngụm vội vài ngụm nước để lấy lại bình tỉnh rồi trở lại giảng tiếp bài học dang dở.

 

Giờ đây, tôi vẫn thường đợi hai em ra về rồi mới trở lại văn phòng.   Matt cẩn thận xếp sách vở của Tom vào túi, cài khuy áo lạnh và đội mũ kỷ càng trong những hôm giá lạnh.  Nhìn đôi bạn dìu dắt nhau từng bước ra xe, nói đùa vui vẻ, lòng tôi se lại. 

Đã từ lâu, tâm tư bị ám ảnh bởi những tệ nạn xã hội, những bất nhẫn của cuộc đời.  Cứ nghĩ vật chất xa hoa phù phiếm làm lòng người chai đá, vô tâm.  Nơi đây, con người chỉ quý trọng bên ngòai mà quên cả giá trị tinh thần, xem nhẹ nghĩa nhân, không trân quý tình cảm yêu thương.   Nhưng tôi đã sai lầm và giờ đây mới nhận thức rằng ở xã hội nào, ở hoàn cảnh nào, tình yêu thương nhân ái cũng nẫy nở và tồn tại.  Lòng vị tha luôn có trong mọi người, nhưng chưa được cơ hội bày tỏ.  Tôi cảm thấy yêu đời hơn và tin tưởng hơn.  Nơi đâu, con người cũng đã và đang luôn thương yêu nhau.

 

Tôi nguyện với lòng từ đây sẽ chăm lo các sinh viên chu đáo hơn và cư xử thân ái với mọi người.

 

Xin cảm ơn hai em đã giúp tôi trở về nẽo phải.

                                                                                                            Houston, tháng ba, 2005

      

Đăng lúc: 08:14:06 AM | 11-03-2021 | Đã xem: 822


Bài viết cùng chuyên mục


Giới thiệu

Tin tưc và sự kiện

backtop