Chỉ Còn Trong Ký Ức - Hòa Nam - BH73

Chỉ Còn Trong Ký Ức - Hòa Nam - BH73

Chỉ Còn Trong Ký Ức - Hòa Nam - BH73

Chỉ Còn Trong Ký Ức - Hòa Nam - BH73

Chỉ Còn Trong Ký Ức - Hòa Nam - BH73
Chỉ Còn Trong Ký Ức - Hòa Nam - BH73
Chỉ Còn Trong Ký Ức - Hòa Nam - BH73
Tôi sanh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo hẻo lánh, Bà Lụa. Có nhiều người không biết Bà Lụa ở đâu, nhưng nếu tôi nói đó là cái làng nhỏ nằm cạnh nhà máy đường Bình Dương thì có lẽ họ sẽ hình dung được.

Tôi sanh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo hẻo lánh, Bà Lụa. Có nhiều người không biết Bà Lụa ở đâu, nhưng nếu tôi nói đó là cái làng nhỏ nằm cạnh nhà máy đường Bình Dương thì có lẽ họ sẽ hình dung được.
Tôi có rất nhiều anh chị em, mười một người lận. Ba tôi là thầy giáo làng, bây giờ nếu Ông còn sống thì đã 95 tuổi. Thầy giáo mà, có chữ nghĩa nên đặt tên con cũng theo chữ nghĩa. Ông đặt tên trước, "Thạnh, Trị, Thái, Bình, Yên, Dân, Việt, Nam, Cường, Quốc, Vinh, Quang, Khải", rồi mới có con sau, trúng tên nào thì xào tên nấy, chẳng cần biết trai hay gái. Và tôi, con gái, lại trúng vào tên Nam. Không sao, thêm chữ thị vô là được rồi, Nguyễn thị Hòa Nam. Đó là cách của Ba tôi. Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, nhiều người cứ giễu cợt, "Con gái gì mà tên Nam?" làm tôi cũng mặc cảm cái tên của mình. Nhưng sau nầy khi lớn lên, tôi lại tự hào về cách đặt tên của Ba tôi cho anh chị em tôi. Quên nữa, Ba tôi để cho Má tôi đẻ thả giàn, nhưng tới thằng Vinh thì dứt, chắc hết trứng, còn lại Quang và Khải, bỏ uổng, ông đặt tiếp cho 2 thằng cháu nội.
Tôi bây giờ đã gần 60 tuổi, nhưng những năm tuổi thơ ở cái làng nhỏ đó là những năm vui vẻ nhất trong cuộc đời mà tôi không thể nào quên. Tôi là con thứ 8 trong gia đình, nhưng theo cách gọi của người miền Nam thì là thứ 9. Vài bạn bè thân mật gọi tôi là Cô Chín hay Chị Chín. Tôi có 1 ông anh ngay ở trên tôi và 3 thằng em trai liền sau tôi, vì vậy các trò chơi của con trai như bắn đạn, tạt lon, nhảy dây, nhảy lò cò hay tắm mưa đều không thiếu mặt tôi. Tôi lại có 4 bà chị ở trên tôi, nên cất chòi, nấu cơm, bán quán hay đánh sò, đánh đũa cũng không thiếu phần tôi.
Ba tôi làm thầy giáo với đồng lương căn bản, má tôi nội trợ, chỉ chửa đẻ và nuôi con, nên cuộc sống rất chật vật. Nhưng trong cái làng nhỏ đó mọi người đều nghèo, thành ra chúng tôi không biết chúng tôi nghèo, chúng tôi chỉ biết hãnh diện vì cả nhà 11 anh chị em chúng tôi đều được học hành đến nơi đến chốn, chúng tôi chỉ biết hãnh diện vì Ba Má tôi là người được kính nể nhất làng. Thầy giáo Phướng, không ai trong làng và những vùng lân cận không biết vì đức độ của ông, nhưng cũng không ai không biết vì cách đánh học trò tàn khốc của ông. Chị Sáu tôi kể, năm đó chị học lớp hai, không thuộc bài, Ba tôi dạy ở lớp kế bên, không hiểu vì sao nghe được, xách roi qua, bắt Chị Sáu nằm trên bàn, đánh cho 1 trận, dữ tợn đến nỗi, đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng trong đời chỉ không thuộc bài.
Nhớ lại cũng còn tức cười, nhà tôi có vườn cây ăn trái với đủ loại trái cây, nhưng chúng tôi nào được ăn xả láng đâu, Má tôi mang lên chợ Bình Dương bán để phụ vào đồng lương thầy giáo khiêm nhường của Ba tôi mà mua gạo cơm mắm muối. Măng cụt chẳng hạn, chúng tôi chỉ được ăn những trái măng hái sót vì nằm khuất sau lá, chín đen và rụng vào ban đêm. Vì vậy mỗi sáng, khi ngủ dậy, việc đầu tiên của chúng tôi là chạy thẳng xuống mấy cây măng cụt, đứa nào ngủ dậy trước nhất thì sẽ có măng ăn. Những trái măng chín đen đó thỉnh thoảng bị chim ăn hết 1 bên, từ xa không thấy, chạy lại chụp, mừng húm, rồi thất vọng, mỉm cười ụp mặt bị chim ăn xuống, lén lén chờ đến phiên đứa kế mừng hụt mà vỗ tay cười hô hố. 
Tôi còn nhớ lúc đó bữa ăn sáng của chúng tôi thường là cháo trắng với đậu phọng rang muối hay dưa gang muối mặn mà đến mùa đậu phọng và dưa gang má tôi đã mua thật nhiều để dự trữ. Họa hoằn lắm chúng tôi mới được ăn 1 khúc bánh mì chan chút nước cá hộp với ít đồ chua của cậu Sáu Thử bán rong trên chiếc xe đạp có cái kèn bóp toe toe. Ấy vậy mà năm tôi học lớp 1, cô giáo của tôi, từ chợ Bình Dương xuống, mỗi sáng đều mua theo 1 ổ bánh mì, bỏ trong hộc bàn, thỉnh thoảng cầm lên cắn 1 cái… Năm đó tôi ngồi bàn nhất, mỗi ngày nhìn cô giáo ăn bánh mì mà lòng cứ tự nhủ, lớn lên nhất định sẽ làm cô giáo để mua bánh mì ăn như cô.
Năm tôi học lớp 2, tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ Hai Bà Trưng rất lớn. Ba tôi là thầy giáo nên đã đi dự lễ từ sáng sớm. Tôi vì ham đi quá nên đã nói láo với Má tôi là lớp 2 cũng phải đi, nhưng thật ra chỉ có lớp 3 mới phải đi. Và tôi đã đi bộ 1 mình. Dự lễ xong, tôi ghé chợ mua 1 lon đậu phọng nấu, vừa đi vừa ăn, gặp Ba tôi, ông chở về. Tôi ngồi sau xe, 1 tay vịn yên, 1 tay cầm đậu phọng đựng trong miếng lá chuối cuốn lại như cái phễu. Lần đó tôi bị đòn 1 trận quá cỡ vì tội nói láo. Nhưng mà quả thực, tôi cũng cả gan quá đi. Bảy tuổi, dám đi bộ 6 km từ Bà Lụa lên chợ Bình Dương, rồi đi bộ 6 km từ chợ Bình Dương trở về nhà nếu không gặp Ba tôi. Nói láo là tội của tôi, bị đòn là phải. Nhưng cả gan thì là tội của Ba tôi, đặt tên Nam cho tôi làm chi, tôi mới cả gan.
Trường sơ cấp Bà Lụa chỉ có đến lớp Ba, lên lớp Nhì và Nhất, tôi học ở trường Chánh Nghĩa. Mỗi ngày tôi phải đi bộ từ nhà lên Ngã Ba Đường Đất Đỏ, quẹo lên dốc Cây Sào Đo, rồi đâm ra trường Chánh Nghĩa, hơn 6 km mỗi trưa và hơn 6 km mỗi chiều. Nguyên cái lớp Ba mấy chục đứa, chỉ có tôi và con Mỹ lên trường Chánh Nghĩa học. Sau nầy hồi tưởng lại quãng đường mà tôi phải đi bộ mỗi ngày để đi học lúc mới 9 tuổi, thiệt tui cũng phục tui luôn. Thỉnh thoảng tôi và con Mỹ gặp 1 ông già đạp xe ngang qua cho chúng tôi có giang, con nít vô tư không cần biết là ai, ở đâu và đi đâu, chỉ thỉnh thoảng đi cùng giờ và cùng chiều với chúng tôi, tốt bụng chở chúng tôi, thì chúng tôi thót lên, đở 1 chặng đường. Còn không thì đường dài thăm thẳm, tôi hóa ngắn bằng cách hái trái chôm chôm dọc đường hay nhặt cục đá, ném thật xa về phía trước, đi nhanh đến nhặt, rồi lại ném nữa. Vậy thôi. Chiều về thì thư thả hơn, ghé vào nhà cô con Mỹ ở dọc đường, uống ly nước, ngồi trên cầu xi măng bắt ngang qua mương trước nhà cô nó, thả hai chân xuống, thưởng thức cái mát lạnh của dòng nước mà nghe đã làm sao. Nhưng hôm nào gặp trời mưa thì thiệt là khổ sở. Người ta đồn Chùa Úp Nồi ở Ngã Ba Đường Đất Đỏ có ma. Trời vừa tối, vừa mưa, vừa gió, đi học về ngang, chúng tôi sợ ma, vừa ôm cặp chạy mà hai bàn tay phải nắm chặt hai ngón cái vào trong vì nghe người ta nói rằng làm như vậy sẽ không bị ma bắt. Thiệt tui cũng tội tui luôn. Lớp Nhì tôi học cô Nhạn. Cô Nhạn thích kêu học trò đứng cạnh quạt cho cô lúc cô chấm bài. Phải học trò giỏi và ngoan như tôi mới được cô cho quạt à nhen. Hãnh diện lắm đó. Con nít có những cái ngu dễ thương làm sao.
Không phải tôi chỉ cực khổ thời thơ ấu, tôi cũng có niềm vui nữa chứ. Tôi rất thích nằm nghe tiếng mưa tí tách rơi đều trên ngói vào những đêm khuya vắng lặng. Tôi rất thích nghe tiếng chim hót buổi sáng, tiếng ve kêu trưa hè. Tôi rất thích những buổi tối trăng sáng, cùng với các anh chị em, nằm trên bãi cỏ xanh êm ái ngoài bờ ruộng, thích thú lắng nghe anh Ba tôi, lúc đó đã là Sinh viên Đại học Nha khoa Sài gòn, thỉnh thoảng về thăm nhà, kể chuyện cho chúng tôi nghe, nào là chuyện cổ tích như chuyện Thằng Người Gỗ, chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm... hay chuyện đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Bãi cỏ xanh êm ái, gió mát từ sông Sài Gòn thổi vào, trăng sáng và những câu chuyện thú vị của anh Ba tôi, lẫn với tiếng dế gáy đều đều…là những buổi tối mà sau nầy tôi không bao giờ còn tìm thấy được. 
Vào những tối Lễ Tết lớn như Trung Thu, Noel, hay Tết Nguyên Đán, Ba Má tôi dù nghèo cũng dành ra một số tiền, mua bánh kẹo, còn mấy anh chị tôi thì tự tay làm những chiếc lồng đèn bằng giấy, đốt đèn cầy, rồi treo từ ngoài cửa ngõ vào nhà, tụ họp con nít cả làng, vừa ăn bánh kẹo, vừa ca hát hay kể chuyện tùy theo khả năng và sở thích của mỗi đứa. Con nít nhà quê ngô nghê, làm gì cũng thấy mắc cười. Vui lắm.
Tuổi thơ ở Bà Lụa của tôi còn gắn liền với chiến tranh, chỉ có điều tôi còn quá nhỏ để biết sợ. Có những đêm Thành Công Binh bắn đại bác ngang qua nhà tôi. Con nít, đang ngủ mê, nghe tiếng đạn bay véo véo trên nóc nhà, lăn xuống ván, chun vào gầm trong, mà vẫn còn ngủ. Nhưng hôm nào tiếng đạn nổ gần quá thì phải chun xuống hầm. Cái hầm nhỏ xíu nằm dưới đất, phía trên là bộ ván dầy, chứa cả chục mạng người lớn nhỏ, ngồi 1 hồi tê giò tê cẳng, lại buồn ngủ nữa, bắt đầu cự lộn. Nhưng sợ nhất là lỡ có ai đó đánh rấm. Ở nhà quê mà, lại nghèo nữa, thì hột mít với khoai củ là những thứ thường ăn, lại dễ đánh rấm. Bom đạn đã sợ, mà bom hơi thì càng sợ hơn. Tha hồ mà hửi. Rồi thì đứa nọ đổ đứa kia, cãi lộn chí chóe, trong khi má tôi cứ luôn miệng khấn vái. Ôi, nhắc đến vẫn còn mỉm cười.
Rồi thì tuổi thơ của tôi qua đi. Các anh chị tôi lần lượt lập gia đình. Năm 1980, anh Ba và anh Tám tôi vượt biên, định cư ở Amsterdam, rồi thằng Cường với thằng Quốc em tôi cũng vậy, định cư ở Sydney. Năm 1993, đến phiên chị Sáu tôi và tôi qua Mỹ. Gia đình tôi từ năm 1980 bắt đầu tứ tán. Mãi đến năm 1999, Má tôi mất, anh chị em tôi mới có dịp tề tựu lại sau 19 năm xa cách. Năm đó Má tôi đã 80 tuổi, bà bị tai biến mạch máu não phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt của Bịnh Viện Chợ Rẫy cả tháng trời, sống cuộc sống thực vật, đã bắt đầu lở loét dưới lưng, viêm phổi và suy thận… Và bà đã ra đi, chấm dứt sự đau khổ của bản thân và con cháu trong nhà. Anh chị em tôi, bên cạnh nỗi đau mất Má, lại có nỗi vui sum họp sau 19 năm xa cách, nên có lúc sơ ý, cười giỡn lớn tiếng. Lúc phát quần áo tang, anh Ba tôi đùa: "Phát cho tao bộ nào sexy nhất.", cả đám em ồ lên cười không bụm miệng kịp. Chị Năm tôi, người suốt đời sống kề cận lo cho Má tôi, bực mình cự: "Mấy người nầy, không sợ hàng xóm họ chửi là đồ con bất hiếu à?".
Mấy năm sau đó, làng tôi nằm trong quy hoạch của nhà nước nên thay đổi rất nhiều. Tất cả ruộng vườn kế nhà tôi ra đến sông Sài Gòn đều đã phải bán đi. Những thửa ruộng phì nhiêu với lúa vàng nặng trĩu, những vườn cây ăn trái, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, chuối, mít,... không còn nữa. Nhà lầu bắt đầu mọc lên. Nhà lầu mọc trên đất ruộng, cất chưa xong thì đã nứt nẻ, không ai dám ở. Hoang vắng. Mương rạch bị lấp. Cống rãnh không thông. Cống rãnh không thông nên sanh ngập lụt. Có hôm trời mưa lớn, nước ngập vô tận trong nhà, mấy bà chị tôi phải dọn dẹp gần chết. Con đường đất đỏ yên tĩnh ngày xưa tôi đi học mỗi ngày giờ cũng đã thành con đường tráng nhựa rộng lớn thênh thang với nhà cửa, quán hàng náo nhiệt. Mất rồi những cây chôm chôm trĩu trái đỏ ối, mất rồi cây cầu xi măng trước nhà cô con Mỹ, mất rồi cái êm đềm, mộc mạc ngày xưa.
Tôi bây giờ đã gần 60 tuổi, phiêu bạt xứ người, cuộc đời thành bại, vui buồn đều nếm đủ. Thỉnh thoảng muốn trở lại quê nhà, tìm về tuổi thơ hồn nhiên êm đềm với nhiều kỷ niệm đáng yêu, nhưng đã không còn nữa. Chỉ còn trong ký ức. Chỉ còn trong ký ức......

Nguyễn thị Hòa Nam
Tháng 12 năm 2011

Đăng lúc: 05:12:00 AM | 23-03-2018 | Đã xem: 1387


Bài viết cùng chuyên mục


Giới thiệu

Tin tưc và sự kiện

backtop